A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôi mơ về Hà Nội,…

Lời một bài hát về Hà Nội đã bắt đầu như thế và tối ngày 29 tháng 3 vừa qua, người ta đã được dắt tay vào một giấc mơ như thế tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội với triển lãm có cái tên gây tò mò ‘’Hà Nội 5000 hồ Gươm’’ của 6 họa sỹ nhóm P_art_groupe.

Triển lãm gồm các tác phẩm theo xu hướng đương đại được xoay quanh chủ đề một cái nhìn không tưởng về thành phố Hà Nội.  Để thực hiện triển lãm, các họa sỹ trong nhóm  đã phỏng vấn hàng trăm thanh niên Hà Nội về mơ ước của  họ về thành phố Hà Nội của ngày mai cũng như những cái nhìn của chính các nghệ sỹ về thành phố.

Có thể nói triển lãm này kết thúc cho một tháng ‘’no nê’’ của những người yêu thích nghệ thuật đương đại (NTĐĐ) vì chỉ trong vòng một tháng họ đã được thưởng thức hàng loạt triển lãm đương đại được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace (triển lãm tranh in), Viện Goethe Hà Nội (triển lãm ảnh), triển lãm của họa sỹ  người Canađa, Festival nghệ thuật đương đại trẻ 2007 tại trường Đại học Mỹ thuật, triển lãm của các giáo viên trường ĐH Mỹ thuật tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Việt Nam VAC chưa kể đến hàng loạt triển lãm khác tại một số galery nghiêm túc tại Hà Nội.

Những người còn lạ lẫm với NTĐĐ sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bước vào triển lãm này bởi họ không thấy tranh và cũng chẳng có tượng. Chất liệu làm nên các tác phẩm cũng ‘’chẳng giống ai’’ bởi đó là một cái bồn tắm, composit trong suốt, hình in trên giấy, lông gà, kính, đồ chơi hình siêu nhân, bộ phận xe đạp cũ hay cả bộ đồ tiệc buýp phê… Các tác phẩm trong triển lãm ôm trọn ba mảng chính của NTĐĐ : sắp đặt, vidéo art và trình diễn (dù chưa thật rõ ràng).

Bước vào triển lãm, người xem đối diện với tác phẩm văn hóa siêu nhân của Lưu Vũ Long. Một tác phẩm làm từ phế liệu xe đạp, bên cạnh đó là hàng chục đồ chơi hình siêu nhân đang bay lên gợi nên hình ảnh của những tòa nhà chọc trời. ‘’ Tôi muốn mình và mọi người xung quanh trở thành những siêu nhân để xây dựng thành phố tương lai của mình.’’ Anh bộc bạch khi viết về tác phẩm của mình. Đỗ Tuấn Anh lại mời người xem đi vào một căn nhà nhỏ dán đầy những mặt người in trên đề can. Dáng hình của khuôn mặt không khỏi làm người xem nghĩ đến thời đại của robot, của nhân bản vô tính và biết đâu của nguy cơ đơn nhất hóa của quá trình toàn cầu hóa. Những nhân vật ấy trên đầu nở hoa, trong hoa lại thấy hình ảnh của tháp rùa. Bên trong, tháp rùa – Hà Nội chói lòa hiện lên dưới nhiều góc nhìn khác nhau dưới cái nhìn của một nhân vật –một mẫu hình của sự hoàn hảo với cơ bắp cuồn cuộn. Tất cả được in trên plastic trong và chiếu sáng từ trong ra. Lách khỏi khe cửa hẹp của căn nhà ấy, người xem đối diện với tác phẩm ‘’Ngày mai cái gì sẽ đại diện cho Hà Nội ?’’. Tác giả Lê Quý Tông giả tưởng nếu tháp Rùa bị ngập sâu dưới nước (mà ở đây là trong một cái bồn tắm), hồ Gươm không còn nữa thì cái gì sẽ đại diện cho Hà Nội đây ? Lớn tuổi nhất trong các nghệ sỹ triển lãm, Vương Văn Thảo giới thiệu tác phẩm Hóa thạch sống - một cách đặt câu hỏi về tương lai của thành phố với tư cách một trung tâm du lịch với trọng điểm là khu phố cổ. Những ngôi nhà cổ được anh ‘’cho hóa đá’’ trong hộp kính và composit trong, bạn sẽ khó ngăn mình không lại gần nhìn sát những ngôi nhà ấy xem nó ra sao. Một tác phẩm khác của anh cũng khá ấn tượng là Giấc mơ của bé gồm hàng trăm bức vẽ tháp rùa có cánh, khổ nhỏ. Nguyễn Xuân Long giới thiệu tác phẩm của mình là những mô hình nhà cửa, cây cỏ được bày trong bộ đồ phục vụ tiệc buýp phê với nhiều câu hỏi viết trên giấy rồi trộn lẫn với những món ăn ấy. Người xem có thể bê các ‘’đĩa di sản’’ ‘’đĩa vật dụng’’ ấy đặt tùy thích ở tác phẩm sắp đặt bày trước ‘’bàn tiệc’’. Anh còn tự biến mình thành một phần của tác phẩm khi hóa trang thành một anh bồi. Điều đáng chú ý là đã có sự tương tác trực tiếp giữa người xem và tác phẩm khi họ viết những ước mơ và suy nghĩ của mình rồi dán lên tác phẩm sắp đặt, di chuyển các phần của một tác phẩm đặt ở nơi mình thích. Tác phẩm cuối cùng của Hà Mạnh Thắng – Giấc mơ nhà cao tầng  xuất phát từ câu chuyện bà Nữ Oa vá trời ‘’một câu chuyện về ước mơ, chiều cao và khoảng cách từ xa xưa mà con người muốn vươn tới’’. Người xem không khỏi liên tưởng đến câu chuyện tháp Babel trong kinh thánh. Một tác phẩm làm từ những vật dụng đời thường như báo, tạp chí, kính, lông hóa học. Các tác giả còn giới thiệu một bức vẽ tập thể mang tên Thành phố hoang đường theo phong cách chất liệu/bề mặt với việc loại bỏ hoàn toàn khung tranh trộn lẫn pop art.

Buổi khai mạc đã có thể đã hoàn hảo nếu bài diễn văn khai mạc không dài tới hai mươi phút. Triển lãm cũng chịu cảnh giống hầu hết các hoạt động triển lãm NTĐĐ khác là người xem tuy đông nhưng chỉ đông trong ngày khai mạc, thành phần người xem cũng chỉ là người trong giới, báo chí và người thân. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5/04/2007.


Tags: 11
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật